Tục “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có một lần tại lễ hội Bổng Điền, xã Tân Lập
Từ ngày 20-23/4/2024 (12-15/3 âm lịch), xã Tân Lập tổ chức lễ hội Bổng Điền năm 2024. Bên cạnh hoạt động tế, lễ truyền thống, năm nay xã Tân Lập tổ chức đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của lễ hội Bổng Điền, khai mạc giới thiệu, bảng bá sản phẩm OCOP huyện Vũ Thư. Đặc biệt, lễ hội sẽ tái hiện nghi thức “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có một lần.
Đoàn rước nước đi trên đên ra đến bến sông Hồng
Trong ngày hội, dân làng Bổng Điền sẽ làm lễ rước nước trên sông để tưởng nhớ về cuộc đời của Đức Thánh Mẫu nữ tướng Quế Hoa. Qua nghi lễ đó, ngoài ý nghĩa lấy nước thiêng trong ngày lễ hội, còn ẩn sâu trong đó là tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước, cầu mong 1 năm mưa thuận gió hoà, gặp nhiều điều may mắn. Lễ rước nước có 6 cỗ kiệu rước, trong đó có kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng, kiệu hậu bành… với đội khiêng kiệu là những thanh niên trai tráng trong làng. Để tiến hành rước kiệu, trước ngày hội dân làng phải chọn những người khiêng kiệu là thanh niên trai tráng có sức khỏe tốt, cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch có uy tín trong làng. Họ được tập luyện để công việc rước kiệu được thành thục và chu đáo. Kiệu khởi hành từ sân đình, lên đê rồi mới ra bến phà để đi lấy nước nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết trên sông Hồng. Đoàn rước kiệu khởi hành từ sân đình ra bến sông Hồng khoảng 3 km.
6 kiệu được rước ra bến sông nhưng chỉ có một kiệu ra giữa dòng thỉnh kinh và lấy nước
6 kiệu được rước ra bến sông nhưng chỉ có một kiệu ra giữa dòng thỉnh kinh và lấy nước. Dọc đường đi có kiệu nghiêng ngả, kiệu đung đưa, kiệu lại quay tứ phía rồi lao vun vút. Mất chừng gần 1 tiếng đoàn ra đến bến sông, kiệu đầu tiên lên phà cử hành các nghi lễ lấy nước, 5 kiệu còn lại chờ sau khi lấy được nước rước về đình dâng lên thần thánh. Ban tổ chức bố trí phà chở kiệu và 25 người gồm sư thầy, tín đồ phật tử, lễ nghi, vật dụng đựng nước, vừa đi vừa tụ kinh, cầu khấn. Phà ra đến ngã ba sông thì dừng lại, lúc này sư thầy làm các nghi thức cuối cùng và nước cũng được lấy tại đây. Sông Hông nước đỏ phù sa là vậy, thế nhưng nước lấy được thì lại rất trong, thể hiện sự linh thiêng của đất trời, sông nước.
Lễ rước với những đoàn rước đi dài trên đê đã tạo nên khung cảnh nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã. Từ bao đời nay, lễ rước nước là nghi thức truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Bổng Điền, nhắc nhở con cháu gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn. Lễ hội là dịp để con cháu dù có phương trưởng nơi đâu cũng quy về đoàn tụ, một lòng thành kính tổ tiên, tưởng nhớ các vị anh hùng đã có công với dân với nước.