Miếu Hai thôn và những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử độc đáo
Vẫn như mọi năm, mỗi dịp xuân về, Miếu Hai thôn, xã Xuân Hòa lại mở hội đón du khách thập phương và nhân dân đến chiêm bái cảnh sắc, tham quan, tế, lễ. Lễ hội Vạn Xuân năm 2024 sẽ được diễn ra trong 3 ngày kể từ ngày 19/3 - 21/3/2024 (từ ngày 10/2 đến ngày 12/2 âm lịch). Đây cũng là dịp để nhân dân xã Xuân Hoà và du khách thập phương hướng về cội nguồn, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và quan tâm bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa.
Miếu Hai thôn xã Xuân Hoà thờ đức Vua tiền Lý Nam Đế và vợ là Hoàng hậu Đỗ Thị Khương
Miếu Hai thôn thờ Lý Nam Đế – anh hùng dân tộc từ thế kỷ thứ 6 và vợ là Hoàng Hậu Đỗ Thị Khương. Dù có những sự khác nhau trong việc xác định quê hương của Lý Nam Đế nhưng các tài liệu hiện biết đều cho rằng vùng đất này là quê hương của bà Đỗ Thị Khương và Lý Nam Đế cũng đã từng hành binh qua đây rồi gặp, yêu và cưới bà. Việc nhân dân lập đền thờ cả hai cho thấy sự ngưỡng vọng của nhân dân với những người có công với dân, với nước, không phân biệt nam, nữ. Hơn thế nữa, đây còn là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh, yêu nước cho các thế hệ mai sau. Miếu Hai thôn còn bảo lưu được nhiều lễ hội, tập quán tốt đẹp. Lễ hội ở miếu là nơi nhân dân tỏ lòng thành kính với những người có công, là dịp để nhân dân gặp gỡ, gắn bó, tăng tình đoàn kết xóm giềng và trên hết là nơi lưu giữ và giáo dục các truyền thống văn hóa quý báu, đạo lý uống nước nhớ nguồn... Chính hội của miếu Hai thôn diễn ra trong 03 ngày, từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Mở đầu là lễ rước kiệu từ trong thôn về miếu. Đối với thôn Phương Tảo, kiệu thờ được rước từ đình Sài, còn thôn An Để sẽ rước kiệu từ đình An Để cùng ra miếu để tế lễ. Sau khi 2 kiệu được rước ra là màn đấu vật trình thánh, diễn ra khoảng 9 giờ sáng ngày mùng 10. Xưa kia các đô vật là thanh niên, trai làng Phương Tảo, nhưng nay do thanh niên trong làng không duy trì được truyền thống nên đến dịp hội làm phải mời đội vật xã Song Lãng sang đấu biểu diễn. Trận đấu kéo dài trong 3 hiệp và cũng phân định thắng thua giữa hai đội. Tiếp theo là màn tế của hai đội Nam quan và Nữ quan. Đội tế Nam quan gồm 20 cụ, do hai thôn chọn ra (1 chủ tế, 1 phó tế, 1 đọc chúc, 1 Đông xướng, 1 Tây xướng, còn lại là bồi tế); chủ tế là người thôn Phương Tảo còn phó tế là người thôn An Để; cả hai đều mặc áo xanh đậm; người đọc chúc mặc áo vàng còn lại đều mặc áo xanh nhạt. Tiếp đến là các đội tế Nữ quan. Nếu đội tế Nam quan là của chung 2 thôn thì đội nữ quan lại của riêng từng thôn, mỗi đội có từ 20 đến 30 người, trong đó có 04 người múa hầu thánh mặc áo xanh, còn lại đều mặc áo vàng. Sau lễ tế là lễ dâng hương của các đoàn khách và nhân dân trong thôn. Chiều mùng 10 có lễ rước kiệu Ông (từ miếu Hai thôn) đi đón kiệu Bà (được rước từ đền thôn Hữu Lộc tới). Hai kiệu gặp nhau giữa đường và thường có trò kiệu bay/quay rất náo nhiệt, sau đó kiệu Bà được đón về miếu qua 1 đêm, ngày hôm sau mới rước trả về đền Hữu Lộc. Ngày 11 tiếp tục các thôn Hương, Thạch Bàn... tiếp tục rước kiệu ra miếu để tế lễ. Lễ vật dâng cúng thánh gồm thịt lợn, gà, xôi, rượu, hoa trái... Lợn được mua nguyên con, giết thịt trong thôn sau đó cho lên mâm, phủ vải đỏ, mang thịt sống ra tế lễ tại miếu. Thôn Phương Tảo mang đồ lễ ra cúng ngày mùng 10 còn thôn An Để mang đồ lễ ra vào ngày hôm sau. Sau khi cúng xong, lễ vật được đem về thôn chế biến thành cỗ để cùng liên hoan, thụ lộc. Chiều 12, đồ cúng chỉ có xôi trắng, không có thịt. Phần hội diễn ra trong 2 ngày mùng 10 và 11, với các trò: vật võ, tổ tôm, hát chèo, chọi gà. Những năm gần đây, hội miếu Hai Thôn có thêm các hoạt động văn nghệ thể thao hiện đại do người dân tự tổ chức để làm sống lại không khí những ngày nghĩa quân luyện tập thuở xưa và để cầu mong cho dân thôn mạnh khoẻ, mùa màng bội thu.
Toàn cảnh miếu Hai thôn nhìn từ trên cao
Ngoài những nét văn hóa đặc sắc, miếu Hai thôn còn giữ được nhiều di vật có giá trị với niên đại từ thế kỷ XIX và XX. Những di vật đó không chỉ có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mà còn tạo nên phần hồn cho di tích và giúp các hoạt động tín ngưỡng của di tích trở nên sống động hơn, ý nghĩa hơn... Tương truyền răng: Ngôi miếu được xây dựng bởi hai hiệp thợ khác nhau của thôn An Để của xã Hiệp Hòa và thôn Phương Tảo của xã Xuân Hòa ngày này. Làng An Để khi ấy được ví là đất văn, làng Phương Tảo là đất võ. Việc trang trí hoa văn trên tất cả các cột, kèo, bình phong... đều sẽ được chấm điểm để đánh giá xem hiệp thợ nào khéo tay hơn. Hai hiệp thợ này không hề gặp mặt nhau trong suốt quá trình chuẩn bị các hạng mục của công trình, chỉ đến ngày dư thi mới đem ra lắp ghép lại thành một ngôi miếu hoàn chỉnh. Chính vì vậy, mà hai bên tả - hữu của ngôi miếu, các họa tiết trang trí không hề giống nhau, nhưng vẫn tạo thành một quần thể thống nhất, có kiến trúc khác biệt so với những ngôi miếu, ngôi chùa khác. Người thợ điêu khắc gỗ xưa đã sử dụng các thủ pháp chạm nổi, chạm lộng, chạm bong kênh để tạo nên những tác phẩm điêu khắc thực sự có giá trị. Đặc biệt, phần mái sau của khu hậu cung hiện còn giữ được nhiều viên ngói mũi hài lớn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 - đầu 19 và đây là những viên ngói cổ nhất trên hệ mái của cả ngôi miếu. Độc đáo hơn cả, là Ngai thờ vùa Lý Nam Đế tại ngôi miếu được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021 và hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thái Bình.
Ngai thờ vùa Lý Nam Đế tại ngôi miếu được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021 và hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thái Bình.
Với hơn 300 năm tồn tại, miếu Hai thôn đã có những đóng góp nhất định trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật của ngôi miếu thờ của người Việt khu vực Thái Bình nói riêng, miếu thờ ở vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung. Đây là một trong số ít các ngôi miếu còn bảo tồn được nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc với mặt bằng chữ Tam, mang phong cách nửa đầu thế kỷ 20. Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ sau, miếu Hai Thôn còn là chứng tích thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân về một tình yêu sâu sắc, chân thành tồn tại qua 15 thế kỷ của vua Lý Nam Ðế và hoàng hậu Ðỗ Thị Khương. Do đó, những năm qua, miếu Hai Thôn đã và đang được nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Xuân Hòa và huyện Vũ Thư quan tâm đầu tư nâng cấp, bảo tồn các giá trị về kiến trúc, văn hóa.