Huyền sử đình Thuận Vi
Huyền sử đình Thuận Vi
Cuốn “Sơ thảo lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân xã Bách Thuận, do Ban chấp hành Đảng bộ xã xuất bản năm 1990 đã xác định: “Cội nguồn người Bách Thuận xưa kia ở hữu ngạn sông Hồng, thuộc Thận Hy xã, Thượng Nguyên huyện, Thiên Trường phủ, (Nam Định ngày nay). Do thiên tai biến đổi, ngọn nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xói vào đất Vị Hoàng, làm cho đất bên hữu ngạn bị sạt lở, bên tả ngạn được bồi tụ. Vì vậy: Dân hữu ngạn mất đất, phải sang khai phá, sinh cơ lập nghiệp tại doi đất bãi bồi phía tả ngạn sông Hồng. Người đầu tiên tổ chức việc di cư và khai phá, lập ra làng Thuận Vy là cụ quan Trương…Tên thật của cụ quan Trương là Nguyễn Đình Lan. Cụ sang thăm dò dải đất bãi bồi bên tả ngạn sông Hồng, mưu đồ nghiệp lớn cho các thế hệ con cháu. Bằng cách giả làm người chăn vịt để thăm dò, khảo sát đất đai và thả diều, dùng dây diều và cán cờ lùa vịt để làm thước đo, ghi chép cẩn thận, vẽ thành sơ đồ, sau đó đưa người từ Thận Hy (quê gốc) sang khai phá mảnh đất màu mỡ phía tả ngạn sông Hồng. Bãi bồi khi ấy chưa có chủ, đất hoang hóa mọc toàn lau sậy và cỏ dại…Cụ Lan có sáng kiến dùng thuyền chứa đầy đất, kéo lướt trên bùn, tạo thành một con ngòi. Làng mới do cụ Lan lập ra vẫn mang tên Thận Hy, nhưng vì phải kiêng tên húy nhà vua nên cụ Lan đổi tên làng thành Thuận Vy. Những nguời có mặt sớm nhất trên đất Thuận Vy thuộc ba dòng họ là Nguyễn Đình, Nguyễn Như, Phạm Văn. Về sau, các dòng họ tiếp tục đưa con cháu đến Thuận Vy để sinh cơ lập nghiệp.
Khi Thuận Vy được cắt về Thái Bình, xã Thuận Vy thuộc về tổng Thuận Vy, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xã Thuận Vy đã hình thành “Tam giáp thập nhị thôn” (tức là ba giáp, 12 thôn), mỗi họ lớn là một thôn và 3 hoặc 4 thôn thành một giáp. Dân các thôn chung lưng đấu cật, góp công, góp của xây dựng được ba ngôi đình khang trang, hoành tráng. Mỗi giáp được giao trong coi, quản lí và phụng sự một ngôi đình: Giáp Thượng phụng tự Thượng Đại đình; giáp Hạ phụng tự Phượng Minh đình; giáp Trung phụng tự Trung Trí đình. Trải qua hàng trăm năm, với biết bao biến cố thăng trầm, nắng mưa hủy hoại, chiến tranh tàn khốc và cũng do quan niệm sai lệch của một số người, lẫn lộn giữa mê tín dị đoan với tự do tín ngưỡng nên đến nay, cả ba ngôi đình cổ không còn hiện hữu. Nhằm tri ân công đức của các bậc thánh hiền và các tiền nhân, những người đã có công lập nên làng, đồng thời để góp phần xây dựng và bảo toàn truyền thống văn hoá theo tinh thần nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, từ ước nguyện của nhân dân các thôn và con em của các dòng họ trong làng, được Đảng bộ, Chính quyền và các cơ quan chức năng cho phép, nhân dân Thuận Vy, Bách Thuận đã tập trung sức người, sức của, phục dựng, tôn tạo lại ngôi đình chung của làng, lấy tên là Thuận Vy Đình.
Việc dựng đình ở Thuận Vy được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và các quy định của Nhà Nước, quy ước của làng, xã. Ngày 30 tháng tư năm 2006, Ủy ban nhân dân xã Bách Thuận tổ chức hội nghị tiên thứ chỉ của 24 dòng họ để thống nhất chủ trương: “Trên nền tảng của ba ngôi đình làng Thuận Vy trước đây, tập trung sức người, sức của, phục dựng một ngôi đình chung của làng, trên khuôn viên đình Hạ, thống nhất lấy tên là Thuận Vy đình. Thuận Vy đình sẽ thay thế ba ngôi đình trước đây. Ủy ban nhân dân xã ban hành quyết định cử ra ban đại diện thực hiện nhiệm vụ tổ chức phục dựng đình. Ban chỉ đạo phục dựng đình làng Thuận Vy, do ông Nguyễn Kim Thự phụ trách đã ra lời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân: “Bằng tấm lòng yêu quê hương đất nước, bằng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bằng mọi sự hảo tâm của những người là con em của quê hương Thuận Vy đang sinh sống, học tập, công tác trong và ngoài nước, hãy đóng góp công sức của mình cho công trình sớm được hoàn thành. Công trình văn hóa tâm linh sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương và quý khách thập phương. Cùng với các di tích lịch sử trong xã, đình Thuận Vy hoàn thành sẽ tạo nên một quần thể văn hóa hấp dẫn du khách thập phương mỗi khi về tham quan làng vườn, làng sinh thái Bách Thuận”.
\Sáng ngày 28 tháng 12 năm 2006, ban chỉ đạo phục dựng đình làng Thuận Vy long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng tòa nội điện. Ngày đó đã thực sự trở thành ngày hội của cả làng vườn sinh thái. Cán bộ, đảng viên, nhân dân Bách Thuận tham gia rất đông vui, nhiệt tình, hăng hái. Ai cũng muốn được góp một phần nhỏ bé của mình vào công trình văn hóa tâm linh của làng, của xã. Trong ngày hội vui của dân làng, có rất nhiều người là con em của Thuận Vy đang học tập, công tác và sinh sống ở khắp mọi miền đất nước, nghe tin quê cha đất tổ dựng lại ngôi đình, đã dành thời gian đem tiền về tiến cúng và tham gia lao động. Hơn một năm hăng say làm việc, khu nội điện đã hoàn thành. Đây là cung thờ Thành Hoàng. Gian giữa tòa nội điện có ba ban thờ thánh: Tám cỗ khám thờ bát vị thủy thần được đặt tại ban trong cùng, năm cố khám thờ ngũ vị nhân thần đặt tại ban giữa, trong đó có hai vị nữ thần là bà Ả Lã Phương Dung, đại tướng của Hai Bà Trưng và ni sư Nguyễn Thị Uyển Trà, Phật Bà làng Thuận Vy, cùng các vị Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Trân, Nguyễn Kim An, đại tướng của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ban thờ ngoài cùng của tòa nội điện, được gọi là Hạ ban, đây là nơi thờ ngũ hổ thần tướng cùng một giàn tự khí, chấp kích, bát bửu và bàn thờ cộng đồng, thổ công bản cảnh. Tất cả các bức bình phong, câu đối và các họa tiết hoa văn trang trí trong nội điện đều cực kì tinh xảo, chứng tỏ đội ngũ thợ dựng đình thời nay có đôi bàn tay tài ba tuyệt đỉnh, chạm khắc những đường nét tinh xảo, đúng là lớp hậu duệ đã và đang nối chí ông cha.
Sau khi khánh thành tòa nội điện, cán bộ, nhân dân Bách Thuận nghĩ ngay đến việc tiếp tục xây dựng tòa Bái Đường theo thiết kế đã được duyệt. Lúc này ông Nguyễn Kim Thự đã quy tiên, xã cử ông Nguyễn Đình Huyền thay thế. Cuối tháng Tám năm 2011, chính thức khởi công xây dựng tòa bái đường và tháp môn. Tòa Bái đường của Thuận Vy đình tọa lạc ngay trên nền ngôi đình Hạ ngày trước. Khó có thể tả nổi vẻ đẹp của tòa nhà này, rất hoành tráng, rất nguy nga, tráng lệ. Đây là niềm vinh hạnh, niềm tự hào rất lớn của người dân làng vườn sinh thái. Tòa nhà cao, đẹp, vững chãi với 32 cột lớn và những vì kèo, chồng đấu được chạm khắc hoa văn tài ba tinh xảo. Trước cửa tòa bái đường có hai đôi câu đối phù hợp với cảnh quan của làng vườn sinh thái:
“Phong cảnh trang nghiêm hoa đua sắc – Hào quang linh ứng phụng minh hương” và “Kiến thiết bái đường lưu hậu thế - Trúc thành cung điện tế tiền nhân”.
Phong cảnh của làng vườn sinh thái đầy hoa thơm, quả ngọt, ngàn đóa hoa muôn tía ngàn hồng thi nhau đua nở, chào mừng quý khách thập phương đến thăm quê. Ngôi đình như vầng nhật nguyệt, tỏa ánh hào quang soi rọi tới muôn nơi. Các Thiên thần, các nhân thần, cụ Quan Trương và các tiên công của nhiều dòng họ, cùng nhân dân Thuận Vy, Bách Thuận đón chào quý khách. Cán bộ nhân dân Thuận Vy kiến thiết tạo dựng ngôi đình làng để lưu truyền cho hậu thế, người già, lớp trẻ đều hiểu rất rõ về lịch sử ngôi đình làng, một công trình văn hóa tâm linh của miền quê hiếu khách, miền quê văn hiến. Tòa nội điện và tòa bái đường bừng sáng trong nắng sớm, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Hai bên tả hữu tòa bái đường có hai tấm bia đá cỡ lớn, ghi danh những tổ chức, cá nhân đã phát tâm công đức góp tiền, góp sức xây dựng nên Thuận Vy đình. Trước cửa tòa bái đường về phía Đông có tấm bia ghi tên những người phát tâm công đức tiến cúng hiện vật để thờ trong tòa nội điện. Khoảng giữa từ tòa bái đường đến bình phong tháp môn là sân đình. Một cái sân rất rộng, đủ chỗ cho hàng trăm người về dâng hương dự hội. Tháp môn đình làng Thuận Vy xây dựng khá công phu và tuyệt mỹ, đúng phong cách cổng tam quan, gồm một cổng chính và hai cổng phụ.
Ngày khởi công làm đình đã vui, ngày khánh thành đình làng càng vui gấp bội. Trong ba ngày đầu tháng Hai năm con Rồng: Bách Thuận mở lễ hội truyền thống, khánh thành ngôi đình mới. Con em của làng cùng quý khách thập phương, những người mến mộ làng vườn, đã về tham gia ngày hội.
Đình Thuận Vy được làm theo hướng chính Nam. Trước cửa đình có một hồ nước trong xanh, giữa hồ nước là một gò đất nổi, mang dáng linh quy vươn cổ hướng vào đình. Trên gò đất ấy là những cây xanh, cây cọ dừa, cây hoa. Nếu bắc một cây cầu nho nhỏ, dẫn du khách đi từ tháp môn ra gò nổi để thăm thú cảnh điền viên thì nơi đây sẽ là điểm đến đầy lí tưởng.