UBND huyện chỉ đạo tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sản xuất vụ Xuân 2024
Hiện nay nông dân trong huyện đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa Xuân, cây màu Xuân. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 liên tục có rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình 16,8 0C (thấp hơn TBNN 1,40C và thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,90C) đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa, cây màu Xuân mới gieo trồng. Dự báo của Trung tâm dự báo thủy văn Quốc gia thời tiết trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Để sản xuất vụ Xuân giành thắng lợi, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các HTXNN tập trung chỉ đạo thực một số nhiệm vụ sau:
1. UBND xã, thị trấn, HTXNN:
- Hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ chăm sóc lúa Xuân, cây màu Xuân; giữ mực nước nông thường xuyên mặt ruộng cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, giữ đủ ẩm cho cây màu Xuân, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Đối với những diện tích lúa Xuân có hiện tượng sinh trưởng kém do ảnh hưởng của thời tiết, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân qua lá như Penac P, siêu lân, Comcat… phun cho lúa, sau đó tập trung bón thúc; diện tích lúa gieo cấy đầu lịch thời vụ tập trung bón thúc trước ngày 15/3/2024, bón bổ sung phân Kaliclorua để tăng khả năng chống chịu; diện tích còn lại phấn đấu kết thúc bón thúc trước 20/3/2024.
Khuyến cáo nông dân kiểm tra đồng ruộng phòng trừ bệnh đạo ôn lá hại lúa theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chú trọng các giống nhiễm đạo ôn; thường xuyên theo dõi, phòng trừ các sinh vật hại khác như: chuột hại, lúa cỏ, bọ vòi voi.
Tiếp tục thực hiện diệt chuột bảo vệ sản xuất bằng các biện pháp, đảm bảo công tác diệt chuột phải thực hiện đồng loạt, liên tục, có sự tham gia của cộng đồng; diệt chuột phải kết hợp luân phiên các biện pháp hoá học, sinh học, đặt bẫy thủ công, đào bắt, …; thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm. Đối với cây màu Xuân và cây ăn quả: Tập trung cho công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, trong đó lưu ý đến phòng trừ nhóm sâu hại chích hút trên 2 cây trồng họ bầu bí, sâu keo trên ngô, bệnh lở cổ rễ trên cây lạc, bệnh thán thư, sương mai, rệp, trên cây nhãn, vải, cam, bưởi…
2. Các đơn vị trong ngành - Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:
Tập trung cho công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các loại đối tượng sâu bệnh hại trên lúa, cây rau màu, cây ăn quả. Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật tăng cường chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết khí hậu, các đối tượng sâu bệnh hại, phân công cán bộ tăng cường về các địa phương có diện tích lúa trà sớm để hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa Xuân đảm bảo trỗ trong khung thời vụ an toàn nhất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc hội thảo, quảng cáo, kinh doanh vật tư nông nghiệp đặc biệt là phân bón và thuốc Bảo vệ thực vật đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Phòng Nông nghiệp & PTNT, trạm Khuyến nông: Phối hợp với Đài truyền thanh và truyền hình huyện, Báo Thái Bình để tuyên truyền hướng dẫn nông dân các địa phương kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; phát vào các thời điểm thích hợp để nông dân biết và áp dụng.
Xí nghiệp KTCT thủy lợi huyện phối hợp với các HTXNN điều tiết nước thuận lợi cho cây lúa, cây màu sinh trưởng phát triển. Nhận công văn, yêu cầu UBND xã, thị trấn, HTXNN, các phòng, ban liên quan tổ chức thực hiện.
(Trích công văn UBND huyện do đồng chí Nguyễn Tống Thìn, PCT UBND huyện ký ban hành)