Những ngày tới, sâu đục thân hai chấm nở rộ gây hại cục bộ một số diện tích lúa mùa
Hiện nay, phần lớn diện tích lúa mùa của huyện đang ở giai đoạn đứng cái- phân hoá đòng. Theo điều tra của trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật từ ngày 13-18/8 trên đồng ruộng có đợt sâu đục thân hai chấm nở rộ gây hại cục bộ một số diện tích lúa mùa.
Nông dân xã Minh Quang chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa mùa sau những đợt mưa úng đầu vụ
Để đảm bảo năng suất lúa mùa, an toàn sâu bệnh, trạm Trồng trọt - BVTV lưu ý một số biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa như: Giữ mực nước nông tạo điều kiện thuận lợi thuận lợi cho lúa làm đòng; Bón thúc 3-5kg kali/ sào, bón sớm ngay từ khi lúa bắt đầu đứng cái để làm tăng tối đa số bông, số hạt và trọng lượng nghìn hạt. Ngoài ra, sau mưa úng nắng lên sẽ làm cho hiện tượng thối thân, nghẹt rễ gia tăng. Vì vậy cần làm các biện pháp như sục bùn làm thông khí, rắc 20-25kg vôi bột/sào để cải tạo môi trường đất, phun các chế phẩm qua lá như ET, siêu lân… Đối với sâu đục thân hai chấm: trong hai ngày 14 và 15/8 cần phun trừ sâu đục thân hai chấm cho các diện tích lúa cấy bằng mạ dược. Trong đó, các xã cần đặc biệt chú ý trong đợt phun trừ sâu đục thân hai chấm đợt này là Việt Thuận, Song an, Tân Hoà, Việt Hùng, Minh Quang…
Trạm trồng trọt BVTV huyện đặc biệt khuyến cáo bà con chỉ sử dụng một trong hai loại thuốc: 22ml Prevathon 5SC (Do sâu đục thân hai chấm đã có hiện tượng kháng thuốc nên phải sử dụng liều lượng gấp 1,5 lần lượng khuyến cáo ghi trên bao bì) hoặc 10ml Incipio (gấp hai lần liều lượng phun trừ sâu cuốn lá nhỏ) phun trừ cho một sào. Cùng với đó, cần tích cực diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, đặt bẫy bả. Nghiêm cấm việc sử dụng điện để đánh chuột. Dự kiến, đến cuối tháng 8 sẽ có đợt phòng trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa mùa, trạm BVTV huyện sẽ tiếp tục theo dõi và thông báo cụ thể hơn.