Những cán bộ thú y cơ sở U60
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Thái Bình có bước phát triển mạnh, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) luôn được phát hiện, xử lý, khống chế kịp thời. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ thú y các cấp, đặc biệt là ở cấp xã. Có những người dù đã ở cái tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn không nghỉ việc. Bằng tâm huyết, nhiệt tình với nghề họ đã và đang đóng góp công sức vào công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và phát triển ngành chăn nuôi nói chung.
Bà Chiến - Trưởng ban CNTY xã Duy Nhất
Mỗi đợt tiêm phòng cho GSGC, bà Đặng Thị Chiến lại cùng chiếc xe máy rong ruổi trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ chăn nuôi để tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Năm nay 60 tuổi nhưng bà Chiến đã có trên 30 năm làm Trưởng ban Chăn nuôi Thú y xã Duy Nhất. Mặc dù là xã có địa bàn rộng với 10 thôn nhưng chỉ có 3 người làm công tác thu y. Do đó để đảm bảo tiến độ và hiệu quả tiêm phòng, giờ làm việc của bà Chiến và các nhân viên thú y luôn linh hoạt.
"Ban Chăn nuôi Thú y xã chia làm ba tổ đi tiêm cuốn chiếu theo từng thôn, nhưng không phải lúc nào công tác tiêm phòng bệnh cho gia súc gia cầm cũng thuận lợi. Có khi lịch tiêm đã thông báo trên loa truyền thanh nhưng vì người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên ban ngày không thường xuyên có mặt ở nhà, mình phải đợi đến trưa hoặc chiều tối họ đi làm về mới đến tiêm được. Phải tranh thủ thời gian sáng, trưa, chiều tối để làm việc thì công tác tiêm phòng mới đạt hiệu quả cao". Bà Đặng Thị Chiến, Trưởng ban Chăn nuôi Thú y xã Duy Nhất cho hay.
Huyện Vũ Thư có 30 xã, thị trấn thì 11 xã có Trưởng ban Chăn nuôi Thú y trên 60 tuổi, chưa kể nhiều thú y viên tuổi cũng đã cao. Mặc dù đã ở cái tuổi nghỉ hưu nhưng họ không nghỉ việc, ngọn lửa với nghề trong họ dường như chưa bao giờ nguội. Ông Hoàng Văn Lự, nhân viên Thú y xã Nguyên Xá gắn bó với công việc này từ năm 1986 đến giờ. Năm nay 72 tuổi nhưng mỗi đợt tiêm phòng ông đều đạp xe quanh xã để hỗ trợ Trưởng ban Chăn nuôi Thú y thực hiện công tác tiêm phòng.
Ông Lự nhân viên thú y xã Nguyên Xá
"Xã có 4 thôn, hai anh em trong ban chia nhau phụ trách mỗi người 2 thôn. Làm nghề này là không kể ngày, đêm, ngoài tiêm phòng bệnh 2 đợt/năm, chỉ cần người dân báo có gia súc, gia cầm ốm là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm lây lan. Vào những đợt tiêm phòng hay có dịch bệnh, nhiều đêm tôi không được ngủ, có khi còn bị đổ trách nhiệm vì GSGC đã tiêm phòng bỏ ăn, lây bệnh. Thế nên, hễ chọc mũi tiêm vào những con vật là gia sản của nông dân thì áp lực lớn lắm, nhưng mình luôn tự nhủ đã làm là phải làm hết trách nhiệm!". Ông Lự tâm sự.
Ông Bùi Trương Phí - Trưởng ban CNTY xã Nguyên Xá (người bên trái) đang tiêm phòng dại cho đàn chó
Ông Bùi Trương Phi, Trưởng ban Chăn Thú y xã Nguyên Xá cho biết: Nhiều năm nay, xã chỉ có 01 Trưởng ban và 01 thú y viên. Trưởng ban thì 60 tuổi, còn thú y viên thì 72 tuổi, thế nhưng tìm người người kế cận rất khó bởi công việc đòi hỏi phải có chuyên môn mới làm được.
Hơn nửa đời người gắn bó với công việc, bằng kiến thức, kinh nghiệm có được, những người làm công tác thú y ở cơ sở hiểu rõ tính cách của từng loại vật nuôi để tiếp cận khi tiêm phòng. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng bệnh trên đàn GSGC ở các địa phương luôn đạt hiệu quả cao.
"Với những con trâu bò khó tiêm thì phải khống chế vào trong chuồng hoặc bụi tre. Thao tác tiêm phải nhanh, dứt khoát nếu không sẽ bị nó đá. Làm công việc này mà không bạo dạn, không có kỹ thuật thì không thể làm được". Bà Đặng Thị Chiến, Trưởng ban Chăn nuôi Thú y xã Duy Nhất cho hay.
Chị Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Trong những năm qua, mặc dù dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò diễn ra khá phức tạp, song với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm cao trong công việc của những cán bộ thú y ở cơ sở nên dịch bệnh nhanh chóng được khống chế kịp thời, ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định. Họ là những người sống tại cơ sở, tiếp xúc hàng ngày với gia súc, gia cầm, nếu có dịch bệnh xảy ra, họ chính là người phát hiện sớm nhất để dập tắt dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhờ sự uy tín của mình trên địa bàn quản lý, những cán bộ thú y ở cơ sở còn vận động, tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trên gia súc gia cầm, góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăn nuôi của huyện. Vì vậy, rất cần có một cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng, phù hợp để những người làm công tác thú y cơ sở yên tâm bám trụ với nghề.
Công việc là bán chuyên trách, giờ làm việc không cố định, thu nhập cũng không cao. Chính sự tin tưởng và hợp tác của người dân trong mỗi đợt tiêm phòng bệnh cho gia súc gia cầm chính là động lực để đôi chân của những người làm công tác thú y vẫn đều đặn từng bước không ngừng nghỉ để bảo vệ an toàn cho vật nuôi trước dịch bệnh./.