Mưa lũ gây tốn thất nặng nề đối với sản xuất và đời sống nhân dân Vũ Thư
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Thư, tính đến 16h chiều nay, ngày 11/9, huyện Vũ Thư có 5.000ha lúa Mùa, 1.100ha rau màu, 300ha cây ăn quả, 550ha cây hoè, 500ha cây khác, 400ha diện tích nuôi thủy sản bị ngập. Có 8 tàu đánh của của ngươi dân xã Tân Lập bị chìm, 30 mét vuông lồng cá bị cuốn trôi.
Các lực lượng thực hiện các công việc gia cố các tuyến đê bao, đê bối chống nước tràn
Trong những ngày qua các xã duyên giang đã tổ chức di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Trong đó, riêng xã Vũ Vân đã di dời khoảng 700 hộ dân với 2.100 nhân khẩu thuộc 4 thôn đến nơi an toàn. Huyện huy động hơn 400 lao động, thực hiện củng cố các điểm xung yếu, chống tràn đê bao: Việt Thuận, Bách Thuận, Hồng Lý, Tân Phong, Hồng Phong, Việt Hùng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai.
Di dời đàn gia súc của người dân đến nơi an toàn
Nhằm bảo vệ an toàn các công trình đê, kè, cống, trong những ngày tới huyện Vũ Thư tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động đúng quy định. Nghiêm cấm các lực lượng bỏ vị trí, triển khai ngay các lực lượng sở chỉ huy tiền phương đã thành lập. Kiểm tra, rà soát, tăng cường lực lượng canh coi ở tất cả các vị trí có chân đê là đầm ao, ruộng trũng, trọng điểm xung yếu, các vị trí bãi sông hẹp, mái kè là mái đê. Chủ động gia cố chân đê ở vị trí chân đê là đầm ao, ruộng trũng bằng hàng cừ kết hợp đắp cơ phản áp với chiều rộng phù hợp để chống sạt trượt mái đê. Khi thấy hiện tượng thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi phải khẩn trương huy động lực lượng để xử lý ngay, nếu có điều kiện tiến hành lấp đầm, ao ruộng trũng, đắp cơ phản áp kéo dài đường viền thấm. Ngoài việc đảm bảo an toàn các tuyến đê bối, phải ưu tiên, coi trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê quốc gia. Huy động mọi nguồn lực kể cả các xã trong nội đồng, nếu thiếu lực lượng, phương tiện báo cáo về Ban chỉ huy quân sự huyện, công an huyện để hỗ trợ.