Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp
“Mãi mãi tình thần khởi nghiệp”, câu nói ấy dành cho những người thành công, nhưng không chưa bằng lòng với những gì đạt được. Họ biết gác lại niềm vui của “mùa vàng bội thu” để tiếp tục trăn trở mày mò “cày sâu cuốc bẫm”, chuẩn bị cho những mùa vụ mới. Bằng cách ấy, họ giữ mãi nhiệt huyết của tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần ấy, hơn 20 năm nay đã và đang tiếp tục cháy trong trái tim lão nông tri điền ở tuổi gần 70 – ông Nguyễn Văn Bệ thôn Trung xã Song Lãng. Gần đây nhất, người Đảng viên 43 năm tuổi đảng ấy đang khiến vùng đất vốn cấy lúa kém hiệu quả tại địa phương thực sự nở hoa.
Khóc than cuộc đời quá cơ cực nhưng không bỏ cuộc, chưa từng dừng cố gắng
Rời quân ngũ, năm 1981, ông Bệ trở về quê hương, tích cực tham gia hoạt động xã hội, mà cụ thể nhất là làm tại hợp tác xã Song Lãng. Nhưng cái nghèo, cái đói cùng những biến cố liên tiếp ập đến. Năm 1996, ông mất đi hai người thân, trong đó có người vợ tào khang. Một mình ông chăm mẹ già ngoài 90 tuổi cùng các con thơ dại. 16 năm gắn bó ở Hợp tác xã, ông đành nghỉ để bươn bải mưu sinh, ai thuê gì làm nấy. Có đêm, trời đã khuya, sau cả ngày trời đi bơm thuyền thuê các ruộng khắp xã, về thấy con nheo nhóc, chấy rận đầy người, ông lầm lũi vừa đi tắm gội cho con vừa khóc. Khổ, nhưng ông không buông xuôi, mà luôn thôi thúc làm gì thoát nghèo. Ông sang Hồng Việt – Đông Hưng mày mò học làm quất cảnh cũng thu hiệu quả. Kinh tế đỡ khó khăn, thì năm 2005 mẹ ông mất, bản thân bị tai nạn khi chạy công nông phải khâu 16 mũi. Năm sau thì người vợ thứ 2 bị tai biến mạch máu não, tiền bạc bao năm dành dụm đội nón ra đi theo các lần chữa trị ốm đau của hai vợ chồng ông.
Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp
Cách đây vài năm, có người đàn ông hơn 60 tuổi lặng lẽ đến quỹ tín dụng xã vay 200 triệu đồng để “khởi nghiệp”. Ông chọn làm việc ai cũng nghĩ là không tưởng: trồng hoa lay ơn trên đất lúa kém hiệu quả. Ông Bệ còn nhớ như in vợ con vì khuyên kinh tế đã có của ăn của để, lại có tuổi rồi, thì ông nên nghỉ ngơi. Hơn nữa từ trước đến giờ ông toàn làm những thứ chưa có mấy ai trong xã, trong thôn làm. Từ chạy máy bơm thuê, trồng quất, chạy xe công nông, rồi bỏ vốn cùng Hợp tác xã mua máy cấy….Trời thương, cộng tính nhanh nhạy thị trường nên cơ bản đều thành công. Nhưng dẫu sao, còn trẻ khỏe thì còn làm lại được, chứ hơn 60 tuổi mà đổ bể thì thật khó. Ông Hoàng Văn Lưu – Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp xã Song Lãng chia sẻ: Ông Bệ chính là tấm gương Đảng viên gương mẫu, dám nghĩ dám làm, người xã viên - lão nông tri điền ham học hỏi, tìm tòi hướng đi mới để thoát nghèo và làm giàu trên đất quê hương. Từ thời trước là trồng quất, nuôi gà giống hàng vạn con, rồi những năm gần đây trồng bí đao trên đất lúa thu về trên 100 triệu đồng/ha; nuôi cá koi bán giống…Năm 2017, nhận thấy xu hướng thiếu nhân lực trong nông nghiệp, nhu cầu máy cấy cao, ông Bệ tiên phong góp vốn cùng tổ dịch vụ HTX mua máy cấy phục vụ gia đình và làm dịch vụ cho bà con. Thành công nối tiếp, ông tiếp tục nhân rộng đầu tư thêm làm khép kín các khâu. Điều đáng nói là bất cứ lần nào “khởi nghiệp”, ông đều trăn trở mày mò học hỏi rất nghiêm túc. Dù chẳng qua trường lớp nào, nhưng ông luôn coi mạng internet là trường học rộng lớn với mênh mông kiến thức, cùng với việc chịu khó đi các nơi lắng nghe học hỏi và áp dụng thực tế tại đồng đất quê nhà. Từ trồng cây gì, nuôi con gì có đầu ra phù hợp, hay kĩ thuật cắt tỉa quất sao, cho đến kì ra hoa đậu quả, kinh nghiệm gieo mạ khay, phun phòng trừ cho bí quả to, ít sâu bệnh…Tất cả đều có bí quyết mà ông Bệ là người làm nông nghiệp chăm chỉ, kiên trì và rất thông minh áp dụng thành công.
Ông Nguyễn Xuân Bệ bên cánh đồng trồng hoa Cúc vàng
Đất nở hoa
Ông Bệ tâm sự cơ duyên đến với hoa lay ơn rất tình cờ. Trước đó năm 2019 ông trăn trở trồng cây gì sau 3 năm gắn bó với cây bí đao. Bởi thị trường tiêu thụ ảnh hưởng dịch bệnh bắt đầu khó khăn, thêm vào đó ông nghiên cứu vùng đất lúa sau 2-3 năm trồng bí, cần đổi cây khác, nếu không bí cho hiệu quả kém dần. Ông sang Nam Định chơi nhà người bạn, ngắm vườn hoa lay ơn khoe sắc, một ý tưởng táo bạo lóe trong đầu “tại sao họ trồng được, mà mình không trồng được loài hoa đẹp vậy”. Nhưng vấn đề quan trọng là chất đất khác nhau, mà ông chưa dám đầu tư lớn ngay từ ban đầu. Ông đã tiếp thu kĩ thuật người bạn chia sẻ, mày mò trồng thử 2 sào cho phù hợp với đất quê Song Lãng. Và thay vì chọn trồng lấy hoa là chính, ông lại chọn lấy củ giống là chính. Năm 2020, 1 mẫu hoa lay ơn vừa thu hoa, vừa cho 4 tấn củ giống, thu lãi 140 - 150 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Để thuận tưới tiêu, ông tự khoan giếng, đào hố chứa nước tại ruộng. Ông tiếp tục học hỏi trồng thêm cả hoa cúc hè và cúc đông, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, giàn cho cúc…Vào mùa lay ơn đỏ rực cả khoảng trời, giờ tháng 4 hoa cúc nở rộ vàng xen cạnh màu xanh của lúa đang thì vào đòng. 6 mẫu ruộng trước kia là đất cấy lúa kém hiệu quả của gia đình ông và bà con gần kề, được ông thuê mượn lại, canh tác trồng lúa, trồng hoa mang lại hiệu quả cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Đất thực sự đã “nở hoa” cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Làm giàu cho gia đình, ông Bệ còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 5-7 lao động tùy theo thời vụ, mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/ tháng.
Ông Nguyễn Xuân Bệ bên cánh đồng trồng hoa lay ơn
Khi được hỏi ước mơ của mình, lão nông tri điền gần 70 tuổi đời cười hiền hậu, đôi bàn tay lam lũ gân guốc qua năm tháng đan vào nhau, ánh mắt ông nhìn về dãy hoa cúc kim cương nở rộ vàng rực giữa cánh đồng “Tôi chỉ mong còn sức khỏe còn cống hiến, vừa là không dựa dẫm con cháu, vừa làm gương cho chúng. Nếu bà con không ngại đổi mới, không sợ thất bại, thì tôi sẵn sàng chia sẻ để nhân rộng cách làm của mình để cùng phát triển. Còn sống là được sống vui, sống khỏe, sống có ích là mừng rồi”