A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lòng lo âu khi mùa bão lũ qua đây

Xã Vũ Vân có hệ thống đê dài khoảng 15km, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, huyện đã đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Hiện, một số tuyến đê bối nền yếu, xảy ra sạt lở, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, trên tuyến đê Quốc gia được xây dựng từ lâu, mặt đê đã xuống cấp, hư hỏng. Mùa mưa bão, lũ năm nay, người dân địa phương thấp thỏm nỗi lo mất an toàn từ công trình đê điều xuống cấp.

Một đoạn đê bị sạc lở mới được xử lý tạm thời

Hệ thống đê Vũ Vân có 3 cấp: tuyến đê quốc gia dài 3,5km chạy dọc xã, tuyến đê bối dân cư dài hơn 5km có nhiệm vụ bảo vệ dân cư vùng bãi, 7km đê bao bảo vệ đồng màu, đất nông nghiệp. Toàn xã có 9 cống qua đê, trong đó tuyến đê đồng màu cao trình thấp, không được tu bổ thường xuyên, nhiều vị trí sông Hồng lở vào sát chân đê, một số cống qua đê yếu, hay bị rò rỉ. Năm 2023, dông lốc mưa lớn đã làm sạt trượt kè đê bối dân cư, làm một phần hàng kè bị dịch chuyển kéo theo dầm chân kè, mái kè bị sạt trượt với chiều dài khoảng 106m, cùng với đó ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường làm tràn rò rỉ nước qua đê ở một số vị trí đê bối đồng màu.

Các sự cố đã được Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã chỉ đạo, huy động nhân lực phương tiện vật tư tại chỗ xử lý không để xảy ra vỡ đê. Tuy nhiên, vừa qua do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn, cạnh đó hồ Hòa Bình liên tục mở nhiều cửa xả đáy nên mực nước ở một số tuyến sông dâng cao, khiến 15m đê bối dân cư bị sạt lở nghiêm trọng, vị trí chiều dài cung sạt 15m, rộng 0,5m, chiều cao 1m. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Thư cùng phòng, ban chuyên môn, chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục bằng biện pháp sử dụng 150 cọc tre gia cố khu vực xung yếu, trải phên nứa lót phía dưới, đất ấp trúc mái đê. Trên tuyến đê này nhiều đoạn đã xuống cấp, hiện có khoảng 130m đê bối đang có nguy cơ sạt lở, rất có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và khoảng 3.000 người sinh sống và Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng tuyến đê bối, nhiều hộ dân sinh sống, canh tác giáp đê không khỏi hoang mang, lo lắng khi mùa mưa bão đến. Anh Đào Văn Đạt, thôn Quang Trung, xã Vũ Vân cho hay: mong mỏi nhất của người dân là các cấp chính quyền sớm có biện pháp sửa chữa, khắc phục đoạn đê bao bị sạt lở để bà con yên tâm sinh sống, đi lại và sản xuất.

Tuyến đê bao xã Vũ Vân nằm ngoài đê quốc gia, có nhiệm vụ ngăn nước sông Hồng bảo vệ khu dân cư. Khi xuất hiện lũ hoặc mưa bão kết hợp nước sông dâng cao sẽ xảy ra nguy cơ nước tràn qua toàn bộ tuyến đê bao gây ngập úng toàn bộ cánh đồng bãi sản xuất rau màu, chăn nuôi thủy sản của người dân. Ảnh hưởng của mưa lũ năm 2017 vẫn còn thấy rõ sự việc vỡ đê làm làm ngập lụt hơn 90ha rau màu, 18ha lúa và 3 trang trại, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng của nhân dân, sự cố tràn, rò rỉ nước qua đê bao trong đợt lũ kết hợp triều cường dâng vào năm 2022. Để khắc phục tình trạng xói lở và bảo vệ lâu dài tuyến đê vùng màu, địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn, thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố.

Ông Bùi Ngọc Trường, Giám đốc HTXNN xã Vũ Vân cho biết: phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”, huy động nhân lực, phương tiện đồng loạt ra quân nạo vét hệ thống kênh mương, vớt bèo, phát dọn cỏ cây, giải tỏa vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, góp phần nâng cao khả năng dẫn nước tưới và tiêu thoát nước nhanh.

Tương tự, tuyến đê quốc gia, đoạn từ thôn Quang Trung đến bến phà Sa Cao có khoảng hơn 1km đang bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt cắt đê nhỏ, nhiều khúc cua gấp, những ổ voi, ổ gà khiến giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến, chính quyền xã tổ chức san gạt, rải đá dăm để mở rộng mặt cắt tạm thời cũng như cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân nâng cao cảnh giác, phòng tránh. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cử tri liên tục có các ý kiến đề nghị nhà nước các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đê này, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Việc tu sửa, nâng cấp, cải tạo các tuyến đê là rất cần thiết, năm 2022 xã Vũ Vân được tỉnh, huyện đầu tư trên 1 tỷ đồng giúp địa phương khắc phục sự cố, tu bổ kè tại đê bối dân cư bị sạt trượt, năm 2023 huyện đầu tư kinh phí hơn 100 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí của địa phương và nguồn vốn nhân dân đóng góp nâng cấp, tu bổ, xử lý sự cố rò rỉ tại các điểm xung yếu của tuyến đê bao, đê bối dân cư. Tuy nhiên đây cũng chỉ là các giải pháp tạm thời. Về lâu dài cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để nâng cấp, tu bổ toàn bộ 3 tuyến đê này. Trong điều kiện kinh phí của địa phương còn khó khăn, buộc phải làm theo kiểu chắp vá. Việc tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè đang xuống cấp là điều cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vũ Vân rất mong mỏi.

Một đoạn đê mặt bị xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: xã thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi diễn biến khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Tuyên truyền để người dân biết và chấp hành nghiêm việc cấm ra vào khu vực sạt lở. Địa phương rất mong cấp trên sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp gia cố từng tuyến đê, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai khi mùa mưa, bão, lũ.


Tác giả: Bài và ảnh Kim Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.539
Hôm qua : 9.012
Tháng 09 : 152.850
Năm 2024 : 1.384.658