Hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác do Hội Nông dân thành lập tại Vũ Thư
Chủ trương phát triển sản xuất theo mô hình Tổ hợp tác gắn với chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, phù hợp điều kiện, tình hình thực tế. Hiện nay, huyện Vũ Thư đang duy trì hoạt động của 26 Tổ hợp tác (THT) với 218 thành viên. Các Tổ hợp tác như: nuôi cá Koi, nuôi cá vàng, nuôi lợn, nuôi bò sinh sản, sản xuất rau an toàn, làm máy nông nghiệp, … Qua việc tích cực tuyên truyền đến các cán bộ, HVND và các tầng lớp nhân dân về việc tham gia vào THT đã góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân,
Khu vực chăn nuôi của hội viên Nguyễn Văn Quang - Thành viên THT chăn nuôi lợn xã Bách Thuận
Mục đích của THT để cùng nhau chung mua vật tư để được rẻ hơn, chung bán sản phẩm làm ra để bán được đắt hơn, cùng tiến hành công tác bảo vệ thực vật trên cùng cánh đồng, công tác thú y trong một khu vực dân cư hoặc khu chăn nuôi, xây dựng hoặc cải tạo kênh mương để cùng tưới tiêu cho một khu vực,…Giá thành sản phẩm làm ra chi phí giảm khoảng 15-20%, giá thành khi bán ra sẽ cao hơn.
Khi tham gia Tổ hợp tác bên cạnh những thuận lợi trong việc giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, việc hình thành các THT còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi lẽ, các thành viên trong tổ hầu hết là những người chung ngành nghề, chung sở thích nên khi sát nhập với nhau sẽ tăng thêm kinh nghiệm, tăng nguồn vốn, dẫn tới tăng sản phẩm có chất lượng, giá thành sản phẩm sẽ bán được lãi cao hơn. Cạnh đó, Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với các công ty, trạm trại tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người nông dân.
Một số mô hình Tổ hợp tác điển hình đem lại hiệu quả kinh tế như: 02 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn (Duy Nhất, Dân Chủ) xã Trung An với 35 thành viên, tổng doanh thu trong năm 1,32 tỷ đồng, thực lãi sau khi đã trừ chi phí 15,6 triệu đồng/sào/năm. Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Bách Thuận gồm 17 thành viên. Tổ hợp tác cung ứng đầu vào từ con giống, thức ăn và giúp tiêu thụ 1 phần sản phẩm, các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, phân chia hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giảm giá thành khoảng 15%. Lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng/ thành viên/năm. Tổ hợp tác Máy nông nghiệp xã Vũ Vân gồm 9 thành viên, các thành viên đầu tư kinh phí mua 8 máy làm đất cỡ trung, 6 máy gặt, 1 máy cấy ngồi, 5 máy cấy tay, 1 giàn sấy 15 tấn/mẻ, 1 máy gieo mạ và toàn bộ dụng cụ để gieo mạ khay cấy máy. Tích tụ trên 30ha ruộng để cấy các giống như Đài thơm 8, ST25 mang lại hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần. Ngoài ra, tổ hợp tác còn cầy bừa, gặt, làm đất và thu hoạch cho nhân dân cho kịp thời vụ, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra,…
Tổ hợp tác làm máy nông nghiệp xã Vũ Vân đang bảo dưỡng máy cày, bừa
Từ những hiệu quả thiết thực mà các mô hình Tổ hợp tác mang lại, ngày càng có nhiều người dân biết đến và mong muốn tham gia. Các Tổ hợp tác đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong kinh tế tập thể, khắc phục lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để cùng sản xuất, cùng giúp đỡ nhau phát triển.
Bên cạnh đó, hoạt động của một số Tổ hợp tác còn có những tồn tại như hoạt động thiếu liên kết chặt chẽ, thiếu bền vững, thời gian hợp tác chỉ mang tính thời vụ, không có định hướng lâu dài, tính cơ sở pháp nhân của các Tổ hợp tác chưa cao (không có con dấu, tài khoản riêng) cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của loại hình này; đồng thời khiến các Tổ hợp tác gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế, tranh thủ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Phần lớn tổ hợp tác vẫn có quy mô nhỏ, vốn ít, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh không cao do đó lợi ích đem lại cho các thành viên còn thấp.
Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về bản chất, vị trí, vai trò của Tổ hợp tác; tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả; tích cực chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đặc biệt là chú trọng tới hoạt động hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của nông dân. Tăng cường phối hợp hơn nữa với Ngân hàng chính sách - xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển mạnh nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; Khuyến khích thúc đẩy thành lập Tổ hợp tác, trang trại trong nông nghiệp. Phát huy các loại hình dịch vụ mà nông dân đang quan tâm như: vật tư phân bón, máy nông nghiệp, cây con giống các loại, dịch vụ về vốn, hoạt động quảng bá tiếp thị sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các Tổ hợp tác duy trì và phát triển.