A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn

Trong khi giá lợn hơi giảm thì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn huyện phải giữ đàn cầm chừng, thậm chí giảm số lượng đàn vì liên tục bù lỗ.

Giữ vững được đàn lợn trong đợt Dịch tả lợn châu Phi năm 2019 hiện gia đình anh Trần Văn Bẩy, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận duy trì nuôi khoảng 1.000 con lợn thịt, 150 con lợn nái. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn tăng thêm khoảng 70.000/bao cám loại 25kg khiến những hộ chăn nuôi quy mô lớn như gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.

“Riêng tiền thức ăn hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải chi hàng chục triệu đồng. Tính ra, nhiều hơn trước khoảng 1,5 triệu đồng/con, chưa kể, tiền con giống, điện, nước,…. Với giá lợn hơi 55.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi rất khó có lãi, thậm chí lỗ”, anh Bẩy nói.

Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng trung bình 6 đợt trong năm 2022, tăng từ 30 - 50% và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ những hộ chăn nuôi lớn, ngay cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chịu tác động từ việc giá cám tăng cao.

Ông Trần Văn Hoàng, một hộ chăn nuôi gà ở xã Tân Lập cho biết, gia trại của ông nuôi quy mô 1.000 con ổn định từ nhiều năm nay. Thời gian qua, giá cám tăng trên 30% trong khi giá gà xuất bán tại chuồng không ổn định, có lúc giảm còn 30.000-35.000 đồng/kg khiến không ít hộ chăn nuôi như ông “đứng ngồi không yên”. Để duy trì chăn nuôi, nhiều hộ đã sử dụng thêm các thức ăn truyền thống như thóc, ngô, cám gạo để duy trì chăn nuôi nhưng các loại thức ăn này cũng tăng giá mạnh, ở mức 35-40% so với thời điểm đầu năm. Ông Hoàng nhẩm tính, nếu giá cám dừng ở mức tăng 30% như hiện nay, thì 8.500 con gà từ khi nuôi đến xuất chuồng chi phí thức ăn tăng thêm đã là hơn 100 triệu đồng. Lời lãi không được bao nhiêu, chưa nói đến phát sinh dịch bệnh thì người chăn nuôi coi như trắng tay.

Trong thời gian dài dịch Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, việc tiêu thụ khó khăn khi các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đứt gãy, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến người chăn nuôi đã ở thế khó lại càng thêm khó khăn hơn. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 11 lần; riêng từ tháng 2 đến nay tăng giá 3 lần và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân do giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tăng nóng từng ngày. Sự biến động bất lợi của thị trường khiến người chăn nuôi trên địa bàn điêu đứng, nguy cơ thua lỗ tiếp tục hiện hữu bởi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Không chỉ giá tăng, theo phản ánh của nhiều hộ chăn nuôi thì chất lượng các loại cám có phần giảm sút, họ phải tiêu tốn lượng thức ăn chăn nuôi lớn hơn để đạt được cùng một lượng thịt lợn hơi.

Vũ Thư hiện có 52 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại xuống, cộng với bệnh dịch bệnh trên đàn GSGC vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đã gây khó khăn, làm giảm hiệu quả chăn nuôi và ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi bất an, lo lắng, không dám đầu tư tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngành chức năng dự báo, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng nên người chăn cần theo dõi diễn biến thị trường, cân đối việc tăng đàn trong thời điểm hiện nay.


Tác giả: Bài và ảnh Tiên Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.667
Hôm qua : 4.556
Tháng 10 : 50.334
Năm 2024 : 1.551.168