Biến ruộng hoang thành vùng sản sản xuất lớn
Từ những thửa ruộng cấy lúa kém hiệu quả, cỏ dại mọc um tùm, ông Bùi Đình Trắc - Thôn Việt Hùng xã Việt Thuận đã thu gom cải tạo thành vùng sản xuất lớn để cấy lúa. Nhờ áp dụng cơ giới hoá và đưa những giống lúa mới có năng suất cao vào thâm canh, ông đã biến ruộng hoang thành những vụ mùa bội thu, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cánh đồng Đáy, đồng Phay, thôn Việt Hùng, xã Việt Thuận hơn 3 năm về trước nơi đây là những thửa ruộng người dân bỏ hoang. Một số diện tích được bà con thâm canh theo hình thức hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế thấp, nhiều hộ không còn thiết tha với đồng ruộng. Nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, năm 2019 ông Trắc mạnh dạn thuê 12ha đất của các hộ dân trong thôn và đất 5% của xã để chuyên cấy các giống lúa mới năng suất cao. Ông Trắc cho biết: Ruộng đã bỏ hoang nhiều năm cỏ mọc um tùm, phải bỏ ra khá nhiều công sức để cải tạo, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng bờ thửa, xử lý để diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất.
Nhằm nâng cao năng xuất, giảm chi phí thuê nhân công, ông đầu tư trên 1 tỷ đồng mua máy móc trang thiết bị đồng bộ từ máy cày, máy cấy, máy gặt, máy bơm, máy phun thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất. Mỗi vụ ông chọn cấy những giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, gạo ngon thị trường ưa chuộng như lúa Bắc thơm số 7, BC, ST25. Cạnh đó ông liên kết với công ty giống cây trồng Trung ương 1 tiêu thụ giống lúa Đài thơm 8 với mức giá 8.600đồng/kg thóc khô. Ngoài phục vụ công việc cho gia đình, ông còn tranh thủ sử dụng máy móc làm dịch vụ khi bà con có nhu cầu. Vào thời điểm mùa vụ ông huy động cả gia đình đứng ra đảm nhiệm từ khâu cày bừa, cấy máy cho đến thu hoạch. Cạnh đó ông còn thuê thêm 5 - 6 lao động địa phương với ngày công 300 - 400 nghìn/ngày hỗ trợ vệc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Sản xuất nông nghiệp tuy ngày công, lãi suất không cao bằng các ngành nghề khác nhưng nếu sản xuất với quy mô lớn, đầu tư máy móc đồng bộ sẽ cho thu nhập ổn định và bền vững. Thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, được giá, trung bình một năm 2 vụ lúa cho năng xuất khoảng 100 tấn thóc, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Những vụ tới, ông sẽ tiếp tục thuê thêm ruộng của bà con nông dân trong xã mở rộng phát triển nông nghiệp. Đồng thời xây dựng lò sấy thóc khô thuận tiện trong khâu phơi sấy. Điều trăn trở nhất trong sản xuất nông nghiệp với ông Trắc là muốn có mặt bằng để làm khu vực gieo mạ khay, với số lượng tối thiểu trên 5.000 khay mạ mỗi vụ, ông rất mong mỏi địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, cho thuê, mượn mặt bằng để sản xuất mạ khay, phục vụ máy cấy, tạo động lực đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Không chỉ năng động trong phát triển sản xuất nông nghiệp, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của địa phương. Với vai trò là Trưởng thôn Việt Hùng, dù công việc gia đình bận mải nhưng ông luôn hoàn thành trách nhiệm của người trưởng thôn, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, tuyên truyền những gia đình có con em đi làm ăn xa về địa phương tự giác khai báo y tế, cách ly tại nhà theo quy định. Cạnh đó cùng với bà tham gia lao động, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập. Từ mô hình của ông, đến nay trong xã có nhiều hộ gia đình cấy lúa với quy mô lớn góp phần phát triển kinh tế và xoá bỏ ruộng hoang.
Tình yêu, sự gắn bó với đồng ruộng đã giúp ông Bùi Đình Trắc mở ra lối tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp và việc tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, liên kết chuỗi sản xuât đã góp phần thắng lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp người dân gắn bó hơn với đồng ruộng.