Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai. Chủ trương sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tại huyện Vũ Thư, hoạt động triển khai lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được triển theo đúng các bước.
Thực hiện Công văn số 304/UBND-TNMT ngày 01/3/2023 của UBND huyện Vũ thư về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (Sửa đổi), UBND xã Vũ Vân đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia dự thảo sửa đổi Luật đất đai. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham gia tập trung vào các chương như Chương VI: Thu hồi đất, trưng dụng đất ý kiến liên quan đến Điều 80 - Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; ChươngVII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Chương XIII - Chế độ sử dụng các loại đất…Ông Đào Văn Trọng người dân địa phương chia sẻ: “Xã đã tổ chức tuyên truyền qua nhiều hình thức loa đài, hội nghị…để người dân như chúng tôi được biết, hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Bản thân tôi và một số bà con cùng ý kiến về tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Theo chúng tôi, Nhà nước phải quy định rõ thời gian thực hiện theo quy mô dự án tránh tình trạng thu hồi xong không thực hiện ngay hoặc thời gian thực hiện kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai.”
Đối với các hội đoàn thể, sáng ngày 27/2/2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của các đồng chí trong ban chấp hành huyện hội và hội phụ nữ các xã, thị trấn. Đa số các đại biểu cho rằng, việc ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 là quyền đương nhiên, chứ không cần xuất phát từ “nếu có yêu cầu”. Các đại biểu đề nghị cần mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. Đồng thời, cũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để hỗ trợ phụ nữ trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dự thảo cần có sự điều chỉnh để phù hợp với các luật khác liên quan; quy định cụ thể việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quy định quản lý, sử dụng các loại đất; phát huy vai trò giám sát..., bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
Qua 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, một số nội dung điều khoản, quy định và chính sách đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Huyện cũng xác định rõ việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Qua đó tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao đối với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, trách nhiệm của HĐND, UBMTTQ VN huyện và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, UBND các cấp và các tổ chức, cá nhân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.
Xác định rõ ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến lần này, huyện tập trung tuyên truyền nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc tập trung nghiên cứu, xem xét và đóng góp những ý kiến xác đáng vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó tập trung vào 9 nội dung trọng tâm gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thông tin thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Ngày 10/2/2023, Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 182/UBND – TNMT chỉ đạo Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý hoặc mở rộng, UBND xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Huyện cũng yêu cầu các phòng, đơn vị tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý hoặc mở rộng, UBND xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo này. Như vậy, các đối tượng được lấy ý kiến đảm bảo gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện. Đa dạng hình thức lấy ý kiến như tổ chức hội nghị, cuộc họp thôn, tổ dân phố hoặc xin ý kiến bằng văn bản, ghi nhận ý kiến trực tiếp.
Trong thời gian lấy ý kiến của nhân dân, trên địa bàn huyện đã tổ chức trên 40 hội nghị, hội thảo với 231 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, các ý kiến tập trung nhiều vào Chương V dự thảo: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (41 lượt ý kiến góp ý); Chương III:Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (35 lượt ý kiến); Chương IX: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (31 lượt ý kiến)…Về các nội dung khác như bố cục của Dự thảo, kỹ thuật soạn thảo văn bản…các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo. Bên cạnh các nội dung chuyên ngành, thì các ý kiến cũng đóng góp để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng đất như: ý kiến về việc cần có nội dung để giải quyết trường hợp người sử dụng đất liền kề không tạo điều kiện cho người sử dụng đất xung quanh để giải quyết những trường hợp di lịch sử để lại; đề nghị quy định cụ thể hơn về việc cấp Giấy chứng nhận thông qua hình thức “online”; đề nghị giảm phiền hà cho người dân, công khai, minh bạch, phù hợp thời kỳ công nghệ số; đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là việc công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đã sử dụng từ lâu…
Ngày 15/3 là ngày kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Như vậy, sau hơn 2 tháng triển khai khẩn trương, việc lấy ý kiến nhân dân trong huyện vào dự thảo luật đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều góp ý tâm huyết, chất lượng về những nội dung trọng điểm.
Hà Thanh