Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi
Theo thông báo số 66/TB-CCCNTY ngày 24/10/2023, kết quả giám sát vi rút Dịch tả lợn Châu Phi tháng 10/2023 (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 23/10/2023 kết quả cho thấy 33/820 (chiếm 4,02%) mẫu đã lấy dương tính với vi rút DTLCP…nên nguy cơ tái phát dịch bệnh DTLCP trên đàn lợn là rất cao.
Lợn bị mắc dịch tả châu Phi thường ủ rũ nằm yên một chỗ
Để chủ động tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái phát và lây lan đặc biệt là bệnh DTLCP. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Ủy ban nhân dân xã, thị trấn: Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đảm bảo đầy đủ các điều kiện để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động khai báo dịch và chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch; thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm không để người dân hoang mang và không chủ quan trước tình hình dịch. Rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin (sau khi kết thúc đợt tiêm phòng định kì vụ Thu đông) đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn trong diện tiêm phòng, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như Lở mồm long móng, Tai xanh, DTLCP... Tiếp tục tuyên truyền, triển khai việc sử dụng vắc xin DTLCP để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn theo chỉ đạo tại Công văn số 1857/UBND-NN ngày 11/10/2023 của UBND huyện về việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vắc xin DTLCP trong phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn huyện. Chủ động phương án xử lý khi có ổ dịch bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn; tăng cường giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của đàn lợn tới tận hộ, trại chăn nuôi; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thú y cơ sở; phát hiện và xử kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để lây lan ra diện rộng.
Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn quản lý; khuyến cáo người chăn nuôi chỉ nhập lợn rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch (nếu mua lợn từ ngoài tỉnh) về chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ trên địa bàn quản lý; thực hiện việc ký cam kết với các cơ sở giết mổ, làm giò, chả, xúc xích trên địa bàn quản lý đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...
Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Chăn nuôi & thú y: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch; Chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh ở các địa phương; tăng cường cán bộ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở; phối hợp với Đội kiểm dịch lưu động của tỉnh, các lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Chủ trì tổng hợp báo cáo và đề xuất kịp thời trong công tác chỉ đạo và huy động nguồn lực phòng, chống dịch bệnh của huyện.
Các phòng ban ngành có liên quan và các tổ chức chính trị xã hội huyện: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tích cực tuyên truyền để hội viên và người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình và cộng đồng.