A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phạm Quang Thẩm - Sáng mãi tấm gương chiến sỹ cộng sản kiên trung

Được đi trên con đường rộng thênh thang và thẳng tắp thuộc phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái chúng tôi vui khi thấy một tỉnh miền núi có bước phát triển đáng mừng. Nhưng điều làm chúng tôi – những người Thái Bình thấy hạnh phúc, tự hào bởi được đi trên con đường mang tên một chiến sỹ du kích anh hùng cách mạng năm xưa của chính quê hương mình - anh hùng liệt sĩ Phạm Quang Thẩm.


 

         Anh bạn đồng nghiệp đang công tác tại Đài PTTH Yên Bái chia sẻ: “Quả thật người dân Yên Bái biết đến Phạm Quang Thẩm ít quá! Chỉ biết rằng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân Yên Bái và Thị xã Nghĩa Lộ lấy tên ông đặt cho con đường lớn để ghi nhớ công ơn một vị chiến sỹ du kích anh hùng cách mạng đã hy sinh vì mảnh đất này.”

          Mang theo trăn trở đó, khi trở về Thái Bình, chúng tôi có cuộc hành trình đi tìm hiểu về người chiến sĩ du kích năm xưa- Phạm Quang Thẩm

Thời thơ ấu “khác người” của Phạm Quang Thẩm.

Tấm ảnh của đồng chí Phạm Quang Thẩm được treo trang trọng trong phòng làm việc của đảng ủy xã Hồng Phong huyện Vũ Thư là đầu mối đầu tiên đưa chúng tôi đi đến những nơi đồng chí Phạm Quang Thẩm từng sinh sống, hoạt động cách mạng và rồi anh dũng hy sinh.

          Đồng chí Lưu Thế Lực – Phó bí thư đảng ủy xã Hồng Phong nhiệt tình chia sẻ: “Thông tin tư liệu về đồng chí Phạm Quang Thẩm giờ chỉ có ở người thân là con cháu của “cụ” và trong 3 cuốn lịch sử đảng bộ xã Hồng Phong huyện Vũ Thư và lịch sử đảng bộ xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.”

          Theo ông Phạm Quang Liêm là  con trai của đồng chí Phạm Quang Thẩm kể lại thì đồng chí Phạm Quang Thẩm sinh năm 1905 ở làng Tân Chi Phong xã Hồng Phong, mất tháng 3 năm 1945 tại nhà tù Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái. Sinh ra trong một gia đình quyền quý, thế lực và giàu có thời Phong kiến nhưng từ nhỏ, ông đã gần gũi và chia sẻ với những khổ cực của lớp dân cày, người nô lệ. Mặc dù cha và anh là chánh tổng Thái Phú thường hay đàn áp lớp bần nông, người nghèo nhưng Phạm Quang Thẩm khắc hẳn. Ông thường bênh vực người nghèo, xin cha và anh không đánh đập và bắt sưu thuế dân cày. Ông cũng hay chơi và chia sẻ cái ăn với đám trẻ chăn trâu trong làng, mặc cho gia đình ngăn cấm và đôi lần đòn roi với ông.

          Năm 1923 ông rời quê lên Hà Nội học trường tư thục Min-xanh. Học được 2 năm thì nghỉ về quê chịu tang mẹ rồi bỏ học luôn. Sau đó, ông theo học trường Canh nông ở Tuyên Quang, rồi cũng lại bỏ học giữa chừng vì không muốn làm tay sai cho Pháp. Do gia đình thúc ép, ông theo học trường sư phạm Nam Định. Từ nhỏ, Phạm Quang Thẩm tỏ ra là một người khỏe mạnh, thông minh, sáng dạ, nhiều tài, học rất giỏi và có tư tưởng tiến bộ. Tính tình khí khái, ngang ngạnh và rất quyết đoán.

Ngay từ khi còn học lớp sư phạm ở Nam Định, ông đã tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan bội Châu. Ông cũng là người tích cực tham gia viết báo tường để nói lên khí huyết của người thanh niên trong cảnh nước mất nhà tan. Trong lễ truy điệu cụ Phan Bội Châu, ông đã tuyên truyền tư tưởng của cụ Phan và tinh thần yêu nước trong giới học sinh. Chính những hoạt động này, giữa năm 1928, ông được giác ngộ và kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng tại trường sư phạm Nam Định.

Con đường làm cách mạng…

          Năm 1928, Phạm Quang Thẩm được kết nạp Hội thanh niên cách mạng. Con đường cách mạng của Phạm Quang Thẩm cũng bắt đầu từ đây. Và cùng năm này, ở quê ông – tổng Thái Phú gồm có Chi Phong, Thái Phú, Tương Đông, Kênh Đào xuất hiện truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, chống bắt phu phen, lính lệ và kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh trực tiếp của nhân dân đã nổ ra gây sức ép cho quan lại và thực dân phong kiến. Lão thành cách mạng Phạm Quang Thưởng (cháu họ của đồng chí Phạm Quang Thẩm) năm nay gần 95 tuổi nhưng còn minh mẫn kể: Đầu năm 1929, đồng chí Phạm Quang Thẩm về quê để gây dựng cơ sở tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”. Ông lấy nhà của mình làm cơ sở in ấn truyền đơn để đưa cho một số anh em tin cậy đêm đến đi rải khắp làng trên xóm dưới. Mọi thông tin, đường lối, chủ trương tuyên truyền, ông trực tiếp liên lạc với đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh sau này) tại hiệu sách “Hội Ký” tỉnh Nam Định.

          Khi ánh sáng cách mạng được truyền vào 2 huyện Vũ Tiên và Thư Trì. Chi bộ Thư Vũ (tiền thân của đảng bộ Vũ Thư ngày nay) được thành lập vào trung tuần tháng 7 năm 1929. Nhận thấy Phạm Quang Thẩm có lý tưởng trong sáng và chí khí cách mạng, tháng 9 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản đảng. Vừa làm thày giáo làng, ông vừa tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê Nin và đường lối cuộc đấu tranh cách mạng tới các tầng lớp nhân dân lao động.

          Nhận thấy sức ảnh hưởng của Phạm Quang Thẩm đối với quần chúng nhân dân bất lợi cho thực dân phong kiến và đế quốc, tháng 3 năm 1930, nhà bảo hộ Pháp có lệnh phân bổ ông  đi làm giáo học ở làng Trung Trữ huyện Gia Khánh – nay là huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ông đã đệ đơn từ chối, nhưng do tổ chức cách mạng gợi ý nên ông quyết định đi Trung Trữ để dạy học và xây dựng cơ sở cách mạng mới.

Lịch sử đảng bộ xã Ninh Giang huyện Hoa Lư đã ghi nhận: Từ khi Phạm Quang Thẩm đến Trung Trữ, ông đã tích cực tuyên truyền làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, căm ghét đế quốc, phong kiến và muốn làm cách mạng trong thanh niên, học sinh, nông dân và thợ thủ công. Rồi ông chọn một số quần chúng tiến bộ, kết nạp họ vào tổ chức cách mạng và thành lập chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do ông phụ trách. Tổ chức đã đi vào quần chúng để tuyên truyền vạch trần tội ác của Đế quốc và Phong kiến, thôi thúc tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Khi tỉnh uỷ Ninh Bình xây dựng chi bộ Đông Dương cộng sản đảng ở Trung Trữ, Phạm Quang Thẩm được chọn cử làm bí thư chi bộ. Tờ báo bí mật phục vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng nông thôn có tên là “Hưởng ứng” ra đời, đồng chí Phạm Quang Thẩm chịu trách nhiệm nội dung, bài vở. Các tài liệu, báo chí của Đảng được truyền tay, thơ ca cách mạng được truyền miệng trong nhân dân. Thế nhưng khi một quần chúng cảm tình là Vũ Ngọc Ánh bị mật thám bắt, không chịu nổi đòn tra tấn nên đã khai ra người cầm đầu tổ chức Cách mạng. Ngày 6-5-1931, Tri huyện Gia Khánh về trường Tiểu học Trung Trữ bắt đồng chí Phạm Quang Thẩm. Dù không tìm ra được các chứng cứ nhưng chúng dùng mọi thủ đoạn để bắt giam và xử đồng chí Phạm Quang Thẩm 5 năm tù giam và 20 năm quản thúc.

Năm 1936 khi mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền có lệnh tha tù chính trị, Phạm Quang Thẩm hết án được tha nhưng vẫn bị quản thúc. Ông trở lại quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng bằng cách mở lớp dạy học, dạy võ, hội đấu roi và hội sư tử để tập hợp thanh niên, học sinh và giác ngộ họ. Thông qua những hoạt động hợp pháp này, Phạm Quang Thẩm đã tuyên truyền, vận động và tổ chức rải truyền đơn, vạch rõ tội ác của bọn Thực dân phong kiến, cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi giảm tô thuế, chống bắt lính, phản đối chính sách "phá lúa trồng đay"...

Vì yêu cầu của cuộc cách mạng, tháng 9 năm 1939, đồng chí Trường Chinh gửi thư và quyết định cử đồng chí Phạm Quang Thẩm nhận công tác mới ở xứ ủy Bắc Kỳ. Cầm quyết định trong tay, chưa kịp đi thì ông bị bọn mật thám Pháp bắt và giam cầm ông ở nhiều nhà tù khác nhau như: Bá Vân, Bắc Mễ, Phấn Mễ, Chợ Chu, Sơn La cùng với các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu... Cuối cùng, ông bị giam cầm ở nhà tù Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái. Dù ở trong tù nhưng Phạm Quang Thẩm vẫn giữ khí tiết người cách mạng và thu phục binh lính cai ngục. Ông cũng đã cảm hóa và giác ngộ được một số tên lính để liên lạc, thông tin ra ngoài, nắm tình hình cuộc cách mạng và chuẩn bị thời cơ bạo động phá ngục để trốn thoát.

          Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Pháp thua nên rất cay cú và thẳng tay đàn áp dã man với người tù. 14/3/1945 bọn chúa ngục Nghĩa Lộ định đem những người tù chính trị đi thủ tiêu hàng loạt. Biết được ý đồ thâm hiểm này,  anh em tù đã chủ động ra tay trước. Cuộc chiến giữa những người tù tay không  với những binh lính cai ngục đầy đủ vũ khí diễn ra cam go và quyết liệt. Những người tù đã giết chết tên phó sứ. Bọn cai ngục say máu, hung hãn xả súng như điên vào đám tù chính trị. Với tài võ nghệ, Phạm Quang Thẩm đã giết chết 1 tên lính Pháp. Đang mải say sưa chiến đấu, ông đã bị một tên quản Nhượng nấp trên chòi gác xả hết một băng đạn vào trúng người. Ông và một số anh em khác đã anh dũng hy sinh. Cuộc chiến đấu và cướp ngục này đã giúp cho phần đông tù chính trị ở nhà tù Nghĩa Lộ trốn thoát ra ngoài và trở thành những trụ cột quan trọng cho các cuộc khởi nghĩa sau này, trong đó có cuộc khởi nghĩa của nông dân Nghĩa Lộ, Yên Bái.

          Đồng chí Phạm Quang Thẩm hy sinh khi mới ở tuổi 40 những những phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ cách mạng cùng tấm gương chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng vì Quốc gia dân tộc, tên tuổi ông được người dân các thế hệ nhắc nhớ mãi. Sau ngày giành được độc lập 2/9/1945 nhân dân quê ông đã đặt tên xã là xã Quang Thẩm. Tên ông cũng được đặt tên cho con đường đẹp nhất Thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái và tên của một ngôi trường trung học phổ thông ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình.

 


Tác giả: Khắc Duẩn
Nguồn:vuthu.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 25
Hôm qua : 3.759
Tháng 10 : 50.454
Năm 2024 : 1.551.288