A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dương Không Lộ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Không Lộ trong lịch sử nghiên cứu Phật giáo và văn hoá Việt Nam, cho đến nay vẫn còn hai giả thiết. Song, dù muốn hay không, khi đề cập đến văn hoá Đại Việt thời Lý, nhất định không thể bỏ qua nhân vật này.

 

Từ thế kỷ X đến những năm đầu thế kỷ XX, văn học Phật giáo viết bằng chữ Hán Nôm Việt Nam kể có hàng trăm tác giả. Tuy nhiên, trong khoảng mười thế kỷ đó, biết bao biến động lịch sử dân tộc đã diễn ra. Tính danh và sự nghiệp, trí tuệ và niềm tin, sự thật và thêu dệt về nhiều vị cao tăng Việt Nam thời Lý, Trần khiến cho văn hoá Phật giáo Đại Việt lung linh sắc màu, tiềm ẩn một nội lực sáng tạo. Những truyền thuyết về sư Không Lộ dường như thực, dường như ảo đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều thế hệ trí thức Phật giáo và Nho sĩ bình dân.

Thiền sư Không Lộ trong lịch sử nghiên cứu Phật giáo và văn hoá Việt Nam, cho đến nay vẫn còn hai giả thiết. Song, dù muốn hay không, khi đề cập đến văn hoá Đại Việt thời Lý, nhất định không thể bỏ qua nhân vật này.

Dù Dương Không Lộ—Nguyễn Minh Không là hai hay một người cụ thể thì vai trò của ông đối với nhân dân trong đời sống tâm linh nhuốm màu Phật giáo đã trở thành một biểu tượng đậm nét.

Rất nhiều kinh sách, bia ký ghi chép về hành trạng, công tích của Dương Không Lộ, nhưng mỗi tác giả lại đặt ra một nghi vấn có lý. Thiền uyển tập anh viết: "Thiền sư họ Dương, người Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Sư chuyên chú tu trì pháp môn Dharani. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059—1065) đời Lý Thánh Tông, sư cùng đạo hữu là Giác Hải vân du cõi ngoài, dấu kín tung tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú, tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sang láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục ổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được. Sau sư về quản quán dựng chùa trụ trì.

Một hôm, người giúp việc thưa với nhà sư:
— Đệ tử từ khi đến đây, chưa được hoà thượng chỉ giáo tâm yếu. Con có bài kệ xin trình hoà thượng:

Đoạn luyện thân tâm thủy đắc thanh
Sum sum trực cán đối hư đình
Hữu nhân lai vấn không vưông pháp
Thân toạ bình biên ảnh tập hình.

Tạm dịch:

Thân tâm rèn luyện tựa nước xanh
Sấn rộng, cây cao toả bóng lành
Có người đến hỏi đường tu Phật
Ngồi dựa bình phong bóng tựa hình
(T.S.H)

Xem xong, thiền sư liền nói:
— Người đem kinh đến, ta nhận, đem nước đến, ta uống; sao bảo ta không truyền tâm ấm?

Dứt lời, thiền sư cười ha hả, rồi đọc bài kệ(1).

Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119) sư thị tịch. Đệ tử thu xá lị, táng trước cửa chùa. Vua Lý Nhân Tông cho sửa sang mở rộng chùa Nghiêm Quang, miễn tô thuế cho 20 hộ, để đèn nhang phụng thờ.

Tuổi thọ của sư không khảo được. Nay theo thế thứ sách Nam Tông đồ ghi lại đây.

Theo khảo cứu của Nguyễn Lang (2) thì tác giả Thiền uyển tập anh khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện (?—1134) chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi đến Ẩn Không (tức Na Ngạn đại sư) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn vào khoảng cuối thời Lý. Nếu vậy, chuyện về thiền sư Không Lộ cũng đã qua đi trên đưới 10 năm. Có thể nói, Không Lộ thiền sư đã trở thành nhân vật anh hùng văn hoá Đại Việt thời Lý. Khi nhập thế, Không Lộ là người khổng lồ, khi thiền định, tu tập ông là người đắc đạo. Mặt khác, đương thời đạo Phật đã trụ vững trên đất Đại Việt, nhưng tín ngưỡng bản địa vẫn tiềm ẩn sức mạnh, nên hình ảnh của thiền sư Không Lộ càng được phác hoạ nhiều vẻ.

Sách An Nam chí lược của Lê Tắc viết vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV có đoạn Không Lộ và Giác Hải kể rằng: “Hai nhà sư thường vào Trung Quốc xin đồng để đúc chuông, lúc về có thần nhân ủng hộ, thuyền đi một buổi chiều về đến quê hương, đúc hai cái chuông, một cái lớn, một cái nhỏ treo ở chùa trên núi Phả Lại, mỗi khi đánh tiếng vọng rất xa, tiêng đồn đến Trung Quốc. Chẳng bao lâu, mưa lớn, nước ngập, chuông bị rơi xuống khe Bãi Nan, trôi mất. Nhà sư sợ mất nốt chuông nhỏ, bèn lấy sắt đóng lại, nay vẫn còn. Tương truyền Không Lộ có tài bay lên không trung, Giác Hải có tài lặn xuống nước".

Lê Tắc đã căn cứ vào Thiền uyển tập anh và tư liệu truyền thuyết dân gian, để viết về "hai nhà sư" mà danh tích rất chung chung. Đại Việt sử ký thời Lê chỉ chép sự kiện: Tháng 3 năm Bính Thìn (1136) "Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha phu dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền rằng, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc và thần chú giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không và dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh nặng thì chữa ngay (3).

Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục, ở truyện Sự thần dị của Minh Không có đoạn: "Hương Giao Thủy có chùa Không Lộ. Trước đấy có nhà sư họ Nguyễn, tên là Minh Không đến dựng nghiệp ở Khai Bình, rồi xuất gia, ngụ tại chùa này. Nhà sư là người đức hạnh rất nổi tiếng"(4)

Trích lục điểm những thông tin từ Thiền uyển tập anh đến Nam ông mộng lục thì ta thấy tiểu sử của Không Lộ và Minh Không thật mờ nhạt; còn hoàn cảnh xuất thân và công tích khi đã thành đạt lại tương đối giống nhau. Nếu đi sâu tìm hiểu những truyền thuyết dân gian về hai ông ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, câu chuyện sẽ đặt ra nhiều nhiều lần rằng, trong các tình tiết và mối liên hệ, vậy đây là hai hay một nhà sư.

Sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV) có riêng hai chuyện: 1. Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. 2. Truyện Dwong Không Lộ và Nguyễn Giác Hải nói rõ Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ là hai người, với hai mối quan hệ khác biệt. Cụ thể là "Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, đất Trường Yên, có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, được truyền đạo hơn mười năm. Còn "Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh là người họ Dương ở đây… thường cùng Giác Hải là đạo hữu"(5).

Nguyễn Minh Không chữa bệnh cuồng loạn cho Lý Thần Tông, được phong quốc sư. "Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ 72 tuổi" (6)

Dương Không Lộ "có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, rồng phải giáng"(7) Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 thì chết"(8). Đáng chú ý là lúc sinh thời Dương Không Lộ "trong các năm Chương Thánh Gia Khánh, đời Lý Thần Tông thường cùng Giác Hải … " (9)

Nếu căn cứ vào Lĩnh Nam chích quái, ta thấy Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ đều sống và phụng sự tiên Phật dưới thời vua Lý Thần Tông. Tuy nhiên ở sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh cho rằng: "Các truyện Đạo Hạnh, Không Lộ nhằm khen những kẻ biết báo thù cho cha, còn bọn sư mô xấu xa đáng bị gạt bỏ" (10). Khi định hình tác phẩm, ở Hồi hăm ba ông có viết về Minh Không: "Từ Đạo Hạnh kết bạn với một người tên là Nguyễn Chí Thành, người Đàm Xá, phủ Trường Yên. Chí Thành trụ trì ở am quán Quốc Thanh (có khi gọi là Ngọc Thanh, nay thuộc vùng Ngọc Hà trên đường Hoàng Hoa Thám) lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Cả hai người đều thờ sư phụ theo tông phái Vân Mộng lăng tiêu. Đạo Hạnh thường chui vào bụi cây, nép sát đất giả làm hổ gào, đùa trêu Minh Không. Thấy thế, Minh Không đọc bài kệ:

Ước nguyện tự đáy lòng
Rồi đây được như ý.

Ý Minh Không muốn nói, Đạo Hạnh muốn thế thì sau sẽ được thế. Đạo Hạnh tỉnh ngộ, hối lại không kịp nữa. Tương truyền đó là hình ảnh kiếp sau của Đạo Hạnh, chính là vua Lý Thần Tông "mắc bệnh cứ gào thét như hổ gầm". Bài đồng dao lúc ấy mách bảo:

Bắc nam có tây đông
Đáy bể ẩn có rồng
Vua mắc bệnh khó chữa
Hãy đón Nguyễn Minh Không.

Triều đình cho người đi tìm Minh Không. Đường xa, đến nơi quân lính đói mệt, thiền sư cho họ ăn cơm chay có phép "vơi đâu lại đầy đấy" và dùng phép rút ngắn thời gian về Thăng Long. Sử cũ cho biết sự kiện Lý Nhân Tông ốm nặng "khắp người mọc lông" là tháng 3 năm 1136, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4; lúc đó vua 21 tuổi.

Hồi hai mươi bốn, viết về "Đầu đà họ Dương chính trực làm nên" kể rằng, Dương Không Lộ lúc đầu tu Phật có tên là Dương Không Lộ, làm nghề đánh cá. Sau cùng một người bạn cùng làng là Giác Hải đi tu ở chùa Hà Trạch. Không Lộ có tài "đúc chuông nặn tượng", biến nón thành thuyền, lấy gậy làm chèo chở hàng trăm tạ đồng về đúc đồ thờ quí, được gọi là "An Nam tứ khí". Đó là:

Đình Phổ Minh, tháp Báo Thiên
Chuông chùa Phả Lại, tượng chiền Quỳnh Lâm(11)

Như vậy câu chuyện về Không Lộ—Minh Không đã kéo dài ngót một nghìn năm qua, trong sương mờ lịch sử. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, công cuộc tìm hiểu về hiện tượng văn hoá này vẫn được tiếp tục. Sách chữ Nôm Thánh tổ chiếu lục viết theo thể diễn ca song thất lục bát, kể chuyện: Minh Không "vốn trung linh người dòng Nguyễn Tộc" cùng Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải đi tầm sư học đạo:

Phẩm tiên lại gặp bạn tiên
Ba ông dạo bước thẳng miền Tây Thiên(12)

Và các diễn biến hoá hổ—điềm báo—đi Trung Hoa gom đồng về đúc tứ khí, đúng như các tình tiết mà cổ thư đã nêu. Điều đáng lưu ý là sách cho rằng chỉ có một người trở thành quốc sư; đó là Nguyễn Minh Không. Quan điểm trùng với tác giả sách Truyện đức Lý Quốc Sư. (13)

Năm 1908, ở làng Lại Trì (nay thuộc xã Quỳnh Hoàng huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình) dân góp tiền làm đôi câu đối cúng vào chùa La Vân, một điểm thờ Không Lộ thiền sư:

Dương gia tập phúc thiên sinh thánh
Lý thế tôn thiền quốc hữu sư.
 
Nghĩa là:
Phúc đức qui tụ vào họ Dương, trời sinh thánh
Đạo Phật tôn thờ dưới thời Lý, nước có sư.

Khi câu đối treo lên thì một cuộc tranh luận giữa bô lão trong làng đã xảy ra. Đại diện cho ý kiến: "thánh họ Dương" là cử nhân Vũ Công Quán, ý kiến "thánh họ Nguyễn" là tú tài kéo Trần Văn Ước. Cuối cùng, hai bên phát đơn kiện lên toà án tỉnh.

Trong Quỳnh Côi dư địa chí (1933) Ngô Vi Liễn viết: Minh Không, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh là bốn vị sư"(14)

Đặng Xuân Bảng khi viết Quốc sư bảo lục (1898) cho biết: "Chùa làng ta phụng sự đức Không Lộ. Khi còn nhỏ, tôi thường thấy các bậc cố lão nói rằng: đức Không Lộ tức là đức Minh Không. Tôi lấy làm ngờ. Nhân có dịp nem sách nhà chùa tôi thấy có hai tập. Tập Tiền lục nói đức Không Lộ họ Dương, tập Hậu lục nói đức Không Lộ họ Nguyễn, húy là Chí Thành, quán làng Đàm Xá, biệt hiệu là Minh Không, tôi càng ngờ… "

Như vậy, nếu chỉ nhìn lại công cuộc tìm kiếm tư liệu, tìm hiểu về hiện tượng Không Lộ, Minh Không trong lịch sử Việt Nam thời Lý, thì gần 10 thế kỷ qua, coi như vấn đề còn bỏ ngỏ. Gần đây, sách Chùa Keo (1985) của Phạm Đức Duật—Bùi Duy Lan, đã căn cứ vào một số tài liệu và Quốc sư bảo lục mà khẳng định:

1. Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật ở thời nhà Lý.

2. Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước, cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế thệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh.

3. Nguyên nhân dẫn đến sự lầm lẫn giữa Không Lộ và Minh Không vì sự tích hai nhà sư này, có những điểm tương tự như nhau:

a. Cả hai người đều chữa bệnh cho vua nhà Lý. Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè của Lý Nhân Tông (1128—1138).
 
b. Cả hai người đều được nhà Lý phong làm quốc sư.
 
c. Minh Không cũng tu ở chàu Diên Phúc (sau đổi là Viên Quang) nơi mà Không Lộ và Giác Hải, trước đó đã từng tu.(15)

Khi khảo sát văn hoá vùng Phả Lại Đại Phúc, Trần Quốc Thịnh tán đồng ý kiến. Tác giả cho rằng: "Khi dân Phả Lại lập Minh Không làm thành hoàng làng tức sinh thời ngài hiển thánh, nghĩa là tiền Phật hậu thánh, ngài đã chuyển từ tu xuất gia sang tu tại gia"(16). Điều này chỉ giúp sức cho việc lý giải việc Minh Không là nhà sư mà lại được dân lập là thành hoàng. Trên thực tế, Phật giáo Việt Nam cực thịnh ở thời Lý, thời Trần, rồi qua Lê, Mạc, Nguyễn có tam giáo đồng nguyên, thì hiện tượng trộn vào nhau đó, không phải là cá biệt. Vả lại, việc thờ thành hoàng làng ở Phả Lại còn dính đến một dòng họ; mà chính tác giả cũng đặt câu hỏi: "Vậy tại sao họ Nguyễn Đại Phúc lại giữ chìa khoá đền Hạ?"(17) Câu chuyện Minh Không được thờ làm thành hoàng làng ở Phả Lại nằm trong tín ngưỡng dân gian, nhằm tôn vinh một nhà sư nổi tiếng, đó là cách tôn vinh biểu tượng người anh hùng văn hoá Việt Nam. Một thông lệ là bất cứ ai có tâm mộ đạo Phật, muốn trở thành các bậc sư thì phải tự nguyện tìm đến, làm chú tiểu, làm sãi… một thời gian, coi như "học việc nhà chùa" thì mới tìm được cơ hội giác ngộ. Thời gian đó, tín chủ có thể ở nhiều chùa. Đương nhiên Minh Không thiền sư cũng không thể có con đường khác. Vì vậy, Phả Lại "tương truyền là nơi trụ trì của cả Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Và còn rất nhiều nơi thờ tự khác, như các chùa Keo thượng, Keo hạ, ở chùa La Vân tại Nam Định, Thái Bình, Hà Nội…

Gần đây, theo tư liệu sưu tầm của ông Lê Xuân Quang thì: "Nguyễn Minh Không có đền thờ ở núi Dương Sơn, giữa ngã ba sông Kỳ, thôn Lạc Khoái xã Gia Lạc (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Sư quê ở làng Điềm Xá (cùng huyện). Câu đối:

Điềm Xá chung linh sinh Nguyễn thánh.
Hoa Lư dục tú xuất Đinh Hoàng (18)
 
Tạm dịch:
Làng Điềm Xá anh linh sinh Nguyễn thánh
Đất Hoa Lư khí tốt hiện Đình Vương.

Như thế, với tư liệu này ta có thêm một chứng lý rằng: Thiền sư Nguyễn Minh Không còn gắn với một ngôi chùa Dương Sơn—gần nơi sinh quán của ông. Tên tuổi Nguyễn Minh Không thường có sự biến đổi khi trở thành một vị quốc sư, mỗi nơi, mỗi ngôi chùa, mỗi mảnh đất có dấu chân ông đều trở thành truyền thuyết. Truyền thuyết đó thường gắn với từng mảnh cuộc đời ông, rồi tất cả những mảnh đời ấy gắn kết lại thành đức Khổng Lồ.

Theo chúng tôi Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý—là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

Chú thích

(1) Lê Mạnh Thát:—Lịch sử Phật giáo (S.đ.d).

(2) Nguyễn Lang:—Việt Nam Phật giáo (S.đ.d).

(3) An Nam chí lược—Bản dịch của UBPD sử liệu—Viện Đại học Huế, 1961.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư …(S.đ.d).

(5) (6)(6)(7)(8)(9) Hồ Nguyên Trừng:—Nam Ông mộng lục—Bản dịch Nguyễn Đăng Na—N.x.b Văn học—H, 1972.

(10) (11)—Tân đính Lĩnh Nam chích quái:—Bản dịch Bùi Văn Nguyên—N.x.b Khoa học xã hội—H, 1993.

(12)(13)—Lê Xuân Quang:—Truyện đức Không Lộ (Tài liệu lưu tại Mai Lĩnh Thư trang—2000.

(14) Ngô Vi Liễn: Địa dư huyện Quỳnh CôiNhà in Lê Văn Tân, H, 1933.

(15) Phạm Đức Duật, Bùi Duy Lan:—Chùa Keo—Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình 1985.

(16) Trần Quốc Thịnh:—Quần thể văn hoá Phả Lại Đại Phúc—N.x.b Văn hoá Dân tộc—H, 2000

(17) Phạm Đức Duật, Bùi Duy Lan:—Chùa Keo …(S.đ.d).

 

(18) Lê Xuân Quang:—Truyện đức Không Lộ (Tài liệu lưu tại Mai Lĩnh Thư trang—2000).


Tác giả: vanhien.vn
Nguồn:vuthu.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 3.759
Tháng 10 : 50.431
Năm 2024 : 1.551.265